Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Lịch sử hình thành

TÓM TẮT

LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG XÃ PHONG LỘC

Phong Lộc là xã nằm ở phía Bắc của huyện Hậu Lộc, thuộc vùng đất chiêm trũng. Trước năm 1945, Phong Lộc thuộc tổng Chi nê; từ năm 1946 - 1950 thuộc xã Đông Thành; từ năm 1950 - 1954 thuộc xã Tuy Lộc. Đến năm 1954, xã Tuy Lộc tách làm 2 xã là xã Tuy Lộc và Phong Lộc, tên gọi xã Phong Lộc tồn tại từ đó đến nay.

Theo truyền thuyết và gia phả còn ghi lại của các dòng họ, Phong Lộc từ xa xưa là vùng đất có cây cối xanh tươi, đất đai màu mỡ, sông nước mát lành, nên số người ở các dòng họ về đây sinh cơ lập nghiệp từ rất sớm, cách đây trên dưới 7 thế kỷ. Từ thuở sơ khai lập ấp, dựng làng, Phong Lộc có 3 làng: Phù Lạc, Kỳ Sơn, Lộc Động. Theo dòng chảy thời gian, đến nay các làng đã có những thay đổi tên gọi khác nhau phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Năm 1993, thực hiện chủ trương của Nhà nước, làng Kỳ Sơn, xã Phong Lộc được chia thành các xóm (nay gọi là thôn): thôn Ngoài Kỳ Sơn, thôn Chùa Kỳ Sơn, thôn Cầu Kỳ Sơn. Đến tháng 01 năm 2018, thực hiện Quyết định số 390/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc sáp nhập thôn và thành lập thôn mới, đến nay xã Phong Lộc có 4 thôn trực thuộc xã là: thôn Phù Lạc, thôn Kỳ Sơn, thôn Cầu, thôn Lộc Động.

Dân số toàn xã đến năm 2021 có 4030 nhân khẩu với 1048 hộ. Có tổng diện tích đất tự nhiên 444,50ha, diện tích đất nông nghiệp là 301,21ha.

Về địa giới hành chính: phía Đông xã Phong Lộc giáp xã Quang Lộc, phía Tây giáp xã Cầu Lộc, phía Nam giáp xã Tuy Lộc, phía Bắc giáp sông Lèn dọc bên địa phận 3 xã Hà Lâm, Hà Phú, Hà Toại, huyện Hà Trung.

Từ buổi đầu khai canh lập làng đến nay, người dân Phong Lộc luôn có truyền thống yêu nước, đoàn kết, thống nhất, anh dũng, cần cù, sáng tạo trong chiến đấu, lao động và học tập; góp phần to lớn sức người, sức của vào công cuộc chống giặc ngoại xâm, đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước. Truyền thống đã và đang được Cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Phong Lộc giữ gìn và phát huy.         

Qua quá trình hình thành, xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xã Phong Lộc đã vượt qua nhiều thử thách hy sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và công cuộc xây dựng CNXH. Từ khi Đảng cộng sản Việt Nam thành lập và lãnh đạo nhân dân ta dành thắng lợi trong cuộc Cách mạng tháng 8/1945, đất nước độc lập, chính quyền thuộc về nhân dân, khắp mọi làng quê chuyển mình xây dựng lại; cuộc sống của người dân từ đây được làm chủ ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân Phong Lộc hăng hái thi đua thực hiện các phong trào yêu nước góp phần xây dựng hậu phương lớn ở Miền Bắc để chi viện cho tiền tuyến lớn Miềm Nam. Từ các phong trào lớn như “Thanh niên 3 sẵn sàng”, “phụ nữ 3 đảm đang”, “hũ gạo kháng chiến”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, phong trào xây dựng hợp tác hóa.v.v...Trong tất cả các phong trào cách mạng thi đua yêu nước, Phong Lộc luôn luôn được cấp trên đánh giá cao. Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, ác liệt, hy sinh vì sự toàn vẹn thống nhất đất nước cũng như cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây nam, biên giới Phía Bắc và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ở thời điểm cách mạng nào, người dân Phong Lộc đều đem hết sức mình xây dựng quê hương và đóng góp sức người, sức của cho công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước. Phong Lộc đã đóng góp hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm; có hàng ngàn lượt người tham gia dân quân tiếp vận, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong; có 5 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng; 76 người con của xã Phong Lộc đã hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước (Trong đó chống Pháp 6 liệt sỹ, chống Mỹ 62 liệt sĩ, chiến tranh biên giới 8 liệt sĩ); toàn xã có 73 thương bệnh binh.

Cùng với những đóng góp xứng đáng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển, xã Phong Lộc trên mọi lĩnh vực đã và đang có nhiều khởi sắc.

Phong Lộc là một xã kinh tế đa ngành nghề, song sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ đạo. Diện tích đất nông nghiệp toàn xã là 301,21 ha, trong đó đất trồng lúa là 156,50 ha. Sản lượng quy thóc hàng năm gần 2000 tấn. Hiện nay đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao và ổn định. Năm 2020, tổng giá trị thu nhập là 155 tỷ đồng; bình quân thu nhập đầu người 39 triệu đồng/người/năm. Hộ nghèo hiện nay còn 30 hộ, chiếm 3%; xã không còn nhà dột nát, tạm bợ. Giao thông nông thôn được cứng hóa, bê tông hóa trên 90%.

Văn hóa - xã hội đã có nhiều kết quả hết sức quan trọng, tạo ra nguồn lực cơ bản cho phát triển kinh tế xã hội, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân:

 Y tế - giáo dục đã có bước phát triển khác xa trước đây cả về số lượng, chất lượng và cơ sở vật chất. Hiện nay toàn xã đã phổ cập giáo dục ở các bậc học. Hàng năm, 100% các cháu trong độ tuổi được đi học, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt từ 98% đến 100%. Tỷ lệ học sinh thi đậu vào các trường Đại học, Cao đẳng, THCN mỗi năm một cao.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã phát triển rộng khắp, được cán bộ và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Sau 21 năm thực hiện, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Nhiều phong trào, cuộc vận động đã thực hiện có hiệu quả và thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hưởng ứng tham gia, như: phong trào nêu gương người tốt, việc tốt; phong trào đền ơn đáp nghĩa; phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào “Nông dân đoàn kết kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... Năm 2000, trên phạm vi toàn xã chưa có thôn, làng văn hóa. Đến năm 2005 có 01/05 thôn được khai trương Thôn văn hóa là thôn Lộc Động. Năm 2013 có 05/05 thôn được công nhận thôn văn hóa và 01 cơ quan khai trương cơ quan đạt chuẩn văn hóa vào năm 2017. Các phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, các thiết chế văn hóa luôn được quan tâm phát động hàng năm và đưa vào nội dung Quy ước để thực hiện.

          Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, với sự tham gia đóng góp của nhân dân, từ ngân sách địa phương và sự hỗ trợ của cấp trên, mỗi năm từ xã đến thôn đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho các công trình phúc lợi, giao thông, chỉnh trang đường làng ngõ xóm trong khu dân cư. Do đó, bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới. Đến nay, bình quân các thôn đã đạt 12/14 tiêu chí, xã cơ bản đã đạt 16/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân xã Phong Lộc đã, đang phát huy truyền thống quê hương, phát triển kinh tế vững mạnh, giữ ổn định chính trị - xã hội, phấn đấu cuối năm 2021 xã Phong Lộc về đích nông thôn mới.

          Với truyền thống quê hương anh hùng trong kháng chiến bảo vệ tổ quốc, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất xây dựng quê hương trên con đường đổi mới, nhân ái, đoàn kết trong cuộc sống, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hướng về phía trước, khắc phục mọi khó khăn thách thức, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, chung tay xây dựng nông thôn mới, niềm tin mới, sức sống mới, diện mạo mới, cùng với các xã trong huyện xây dựng quê hương Phong Lộc ngày càng giàu đẹp./.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ PHONG LỘC - HUYỆN HẬU LỘC

Chịu trách nhiệm: Trịnh Anh Dũng - Chủ tịch UBND xã Phong Lộc

Địa chỉ: Thôn Kỳ Sơn, xã Phong Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Số điện thoại: 0988014188

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa